Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đã đặt vấn đề như vậy khi phát biểu khai mạc Hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (10.3).
Cấp bách phục hồi du lịch quốc tế
Trước khi đi vào chi tiết mục tiêu của hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định du khách quốc tế đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, tạo công ăn việc làm, nâng cao trình độ văn hóa, dân trí, giúp ổn định tình hình kinh tế – xã hội. Hút khách quốc tế là cứu cánh trong việc thúc đẩy du lịch phục hồi, tăng trưởng, trở thành một trong những ngành then chốt trong nền kinh tế.
Bối cảnh lúc này còn cấp bách hơn cả lúc Việt Nam vừa mới mở cửa lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh hơn 1 năm về trước. Bởi, theo ông, kinh tế Việt Nam có thể nói, chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Thị trường xuất khẩu Mỹ, EU… đối mặt với lạm phát kéo dài, lãi suất tăng, người dân thắt chặt chi tiêu, khiến đơn hàng của Việt Nam giảm mạnh. Chỉ ngay trong 2 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp lớn phải cắt giảm hàng ngàn lao động. Những ngành chủ lực như gỗ, thủy sản, dệt may… kim ngạch đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong nước, thị trường bất động sản đóng băng từ quý 4/2022 kéo theo một loạt các ngành nghề liên quan điêu đứng. Cũng giống như bất động sản, du lịch là đầu vào và đầu ra của rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Sự vắng bóng của du khách quốc tế, đối tượng khách chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của ngành du lịch, đã khiến các hãng hàng không, dịch vụ, lưu trú, các hãng tàu… không thể vực lên nổi dù lượng khách nội địa năm qua tăng vọt. Vì thế, có thể khẳng định khách quốc tế chính là cứu cánh để phục hồi ngành du lịch, vực dậy kinh tế.
Vì sao du lịch Việt Nam đi trước về sau?
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, trước khi đề xuất giải pháp, những người làm du lịch phải một lần nữa trả lời câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng đặt ra: “Tại sao du lịch Việt Nam đi trước nhưng lại về sau?”. Vì sao Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhưng lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực?
Tổng Biên tập Báo Thanh Niên nhận định có 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên là năm 2022, Trung Quốc – quốc gia có lượng khách quốc tế tới Việt Nam nhiều nhất (với 5,8 triệu khách – khoảng 32% tổng lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam giai đoạn trước dịch) chưa mở cửa vì chính sách Covid- 19. Qua đầu năm 2023, họ bắt đầu mở he hé nhưng chưa đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia khách đoàn. Theo thông báo mới nhất của Bộ VH-TT-DL thì phải đến 15.3, nước này mới chính thức cho phép tổ chức các chuyến du lịch theo đoàn tới Việt Nam.
Thứ hai, ảnh hưởng của bất ổn địa chính trị với xung đột của Nga – Ukraine khiến khách du lịch từ Nga, một nguồn khách truyền thống và quan trọng của Việt Nam bị ảnh hưởng. Đặc biệt, chính sách visa du lịch còn cứng nhắc, chưa có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình mới, gây trở ngại cho khách du lịch quốc tế.
“Số lượng các quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam còn ít (24 quốc gia), thời gian được miễn thị thực rất ngắn (15 – 30 ngày). Các phương án thay thế như cấp visa điện tử hay cấp visa tại cửa khẩu chưa phát huy được do thủ tục thực hiện còn phức tạp, thiếu nhân lực, công nghệ… So sánh với Thái Lan, quốc gia này miễn thị thực cho 65 quốc gia đồng thời miễn visa du lịch với thời hạn lên tới 45 ngày” – nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn dẫn chứng và đánh giá chỉ riêng về chính sách xuất nhập cảnh, Việt Nam đang gặp bất lợi trong cuộc tranh đua thu hút du khách từ châu Âu, châu Mỹ và châu Úc. Đây là những thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, nhu cầu du lịch lớn, thời gian lưu trú dài ngày, được kỳ vọng bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn khách Trung Quốc.
Theo ông Toàn, hai lý do đầu tiên đến từ khách quan, bất khả kháng nhưng lý do thứ ba – chính sách visa thì hoàn toàn có thể khắc phục được ngay. Thực tế nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã chứng minh chính sách visa thông thoáng, cởi mở, thuận lợi là giải pháp hiệu quả để thu hút khách quốc tế.
Cũng vì lẽ đó, nhiều địa phương đã kiến nghị nới visa để thu hút du khách quốc tế. Đơn cử như Kiên Giang. Để tạo chính sách kích cầu thu hút du khách quốc tế đến Phú Quốc nghỉ dưỡng, tạo điều kiện cho người nước ngoài có thêm thời gian ở lại Phú Quốc trải nghiệm các sản phẩm du lịch, UBND tỉnh Kiên Giang đang kiến nghị Trung ương cho phép nâng thời gian miễn thị thực với thời gian tạm trú 6 tháng cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển. Trường hợp người nước ngoài đến Phú Quốc từ các cửa khẩu quốc tế khác trên lãnh thổ Việt Nam, lưu lại khu vực quá cảnh ở cửa khẩu đó, rồi chuyển tiếp đến Phú Quốc cũng được miễn thị thực.
Mới nhất, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề xuất Bộ VH-TT-DL miễn thị thực nhập cảnh đối với những thị trường trọng điểm có lượng khách lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam du lịch.
“Có mặt tại hội trường Báo Thanh Niên ngày hôm nay có đại diện của Bộ Công an, Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không, lãnh đạo TP.HCM, các doanh nghiệp hàng không, du lịch, dịch vụ… là các lĩnh vực liên quan trực tiếp, mật thiết với du lịch và đang bị tác động nặng nề bởi thiếu du khách quốc tế, đồng thời cũng là những người hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc mở visa, thu hút khách quốc tế để phục hồi du lịch, dịch vụ, thương mại trong nước. Tôi rất mong chúng ta sẽ cùng phân tích sâu hơn, cùng thảo luận, từ đó đề xuất các giải pháp về visa, về quảng bá, xúc tiến du lịch… để Báo Thanh Niên tổng hợp gửi cho Chính phủ, góp thêm một tiếng nói để các nút thắt được tháo gỡ, để ngành du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước” – Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu khai mạc hội thảo.
Chiều 21/12, Hiệp hội du lịch tỉnh chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm [...]
Lễ hội Nghinh Ông gắn liền tục thờ cá voi (cá ông), diễn ra ở [...]
KHÁCH SẠN VIAS Khách sạn Vias Vũng Tàu nằm trên đường Thùy Vân, đối [...]